Suit là một phần không thể thiếu trong trang phục công sở, là những items hoàn hảo, đem lại cho phái nữ vẻ chỉn chu, cuốn hút, uy quyền không thể chối từ. Đã từng có thời gian, “suit” là thuật ngữ dành riêng cho phái mạnh như một biểu trưng quyền lực. Nhưng kể từ khi Le Smoking và các nhà thiết kế nổi tiếng khác kiến tạo ra những bộ suit phong cách silhouette cao cấp tuyệt đẹp dành cho nữ giới, khái niệm cũ dần bị xóa bỏ, và từ đó, suit, không còn là lãnh địa bất khả xâm phạm của nam giới.

Mang trong mình bề dài lịch sử từ hơn 400 năm trở về trước, năm 1666, vua nước Anh là Charles II, phỏng theo cách ăn mặc của triều đình vua Louis XIV đương thời bên Pháp, đã ra quy định chính thức về triều phục cho các quan chức trong triều đình Anh Quốc. Lễ phục này cơ bản gồm có một áo khoác dài với tay chẽn gọi là frock-coat (hay gọi tắt là frock). Bên trong áo frock là áo mặc trong (petticoat, tiền thân của áo gi-lê). Trong nữa là áo lót vải trắng (tiền thân của áo sơ-mi). Rồi một cái cra-vát trắng quấn cổ (tiền thân của cả nơ lẫn cra-vát ngày nay), một quần lửng bó chân (breeches), tóc giả đội đầu, mũ, tất bó chân và giầy da đen. Đây là quy định thành văn đầu tiên của lễ phục triều đình bên châu Âu. Triều đình các nước châu Âu khác sau đó đều theo quy định này.

Vua Louis XIV

Đến cuối triều vua George III (1760-1820) của nước Anh, nhà thiết kế thời trang lừng danh ở nước này là George Brummel (1778-1840) đã đổi mẫu triều phục bằng cách thay quần lửng bằng quần dài. Cùng lúc đó ông cũng thiết kế áo sơ-mi lót có cổ bẻ và cổ tay bó như chúng ta vẫn mặc hiện nay. Và cra-vát bắt đầu được ông Brummel cho thắt nút. Áo lót mặc bên trong được ông Brunnel cho cắt ngắn ngang bụng, gọi là waistcoat (tức là gi-lê), và may bằng vải màu trắng hoặc đen.

Nhưng các đột phá quan trọng về trang phục suit đều xảy ra dưới thời vua Edward VII (1801-1910), người kế vị nữ hoàng Victoria. Các Âu phục chúng ta mặc bây giờ đều được hình thành từ triều đại của vị vua này. Đại lễ phục nơ trắng (white-tie, tức là áo đuôi tôm) được hoàn thiện vào thời kỳ đó. Đại lễ phục nơ trắng từ giai đoạn này có vạt trước mở với khuy đơn không cài để khoe giải giây sash của bội tinh bên trong.

Vua Edward VII (1801-1910)

Ngoài ra, năm 1886, Edward VII, khi đó còn là hoàng thái tử, có lần tổ chức dạ tiệc khoản đãi bạn thân là triệu phú cà phê người Mỹ tên James Potter. Vì đây không phải là quốc yến, nhưng lại có tầm quan trọng, cho nên James Potter không biết phải ăn mặc thế nào. Hoàng thái tử bèn cho thợ may riêng là Henry Poole ở London thiết kế một bộ trang phục đặc biệt cho khách quý, lấy mẫu từ đại lễ phục nơ trắng, nhưng cắt ngắn đi. Khi James Potter về nhà ở Tuxedo Park, bang New York, bộ lễ phục kiểu mới này đã chinh phục toàn thể giới thượng lưu ở Mỹ. Từ đó nó được gọi là bộ Tuxedo và trở thành phổ thông trên toàn cầu. Về sau này Tuxedo được mặc với nơ đen, và gọi là black-tie, hay dinner jacket, cho các dịp lễ kém quan trọng.

James Potter trong bộ Tuxedo đầu tiên

Với xuất phát điểm như vậy, suit từ trước tới nay luôn là bộ trang phục đại diện cho sự sang trọng và quyền lực. Chẳng cần là người am hiểu nhất về suit cũng biết rằng, suit không được sinh ra để dành cho phái đẹp. Thế nhưng hãy nhìn cái cách phụ nữ khắp nơi trên thế giới đang diện suit đầy hiên ngang, suit từ lâu không còn là đặc quyền của riêng phái mạnh nữa rồi.

Năm 1966, Le Smoking chính là bộ suit đầu tiên dành cho nữ giới, sáng tạo từ Yves Saint Laurent. Đây là cột mốc quan trọng, giúp phái yếu đứng lên giành quyền bình đẳng bằng thời trang. Le Smoking trở thành biểu tượng của thế giới, với phom dáng cứng cáp, nam tính tôn lên vẻ đẹp mạnh mẽ của người phụ nữ. Thiết kế đã làm nên cuộc cách mạng về quyền bình đẳng giới trong xã hội. Từ thập niên 70, phụ nữ bắt đầu thay đổi tư duy, khi có thể diện trang phục bản thân cảm thấy thoải mái. Đó là lý do khiến các nhà mốt phải tư duy để tạo nên những thiết kế khác biệt nhằm khẳng định “sức mạnh” của người phụ nữ trong xã hội. Cứ như thế tinh thần nữ quyền ngày càng xâm chiếm sàn runway. Các thương hiệu danh giá như Dior, Ralph Lauren, Yves Saint Laurent… ưu ái nâng người phụ nữ lên tầm cao mới.Bộ suit đầu tiên của Le Smoking

Trong vài năm trở lại đây, các sàn diễn thời trang còn ghi nhận sự ủng hộ phong trào nữ quyền từ chính những nhà thiết kế nam. Điển hình là sự lăng xê những mẫu áo khoác hay suit độn vai, mang lại vẻ mạnh mẽ cho người phụ nữ như bộ sưu tập Xuân - Hè 2019 của Tom Ford hay dưới tư duy thẩm mỹ của Demna Gvasalia cho Balenciaga. Để từ đó về sau, quyền bình đẳng của phái yếu ngày càng lớn dần và nữ quyền đã xâm chiếm nền công nghiệp thời trang một cách mạnh mẽ.

Từ những bộ suit đen cơ bản mà phụ nữ thích diện đi làm để thấy mình trưởng thành và độc lập, cho đến những bộ suit đầy màu sắc mà những quý cô sành thời trang thích thể hiện khả năng mix match để biến mình trở nên khác biệt, suit len lỏi vào tủ đồ của phái đẹp từ lúc nào không hay và cứ thế theo chân chị em đi muôn nơi mà chẳng còn quan ngại việc chúng thực sự thuộc về ai. Ở bất cứ đâu, chúng ta có thể dễ dàng thấy những bộ suit thiết kế riêng cho phái nữ để tôn lên dáng vẻ quyến rũ và nét yêu kiều, đó là những bộ suit bó sát và ôm theo body chẳng cần ăn vận hở hang mà vẫn rất sexy và cực kì thanh lịch; hoặc bộ cánh Tuxedo trong những buổi tiệc về đêm trang trọng và đẳng cấp.

Thời trang sinh ra để phục vụ nhu cầu của phụ nữ, nhưng họ đã mượn ngôn ngữ riêng biệt này để nói lên mong muốn của bản thân nhằm khẳng định cá tính và dám thể hiện mình. Suit chính là một trong những lựa chọn hoàn hảo nhất đáp ứng được đầy đủ những tiêu chuẩn khắt khe trong suốt chặng đường dài hình thành và phát triển phong cách nữ quyền.