Từ thời xa xưa, vải nhung (trong tiếng Anh có tên velvet fabric) luôn được coi là một loại vải dệt thoi xa xỉ- thứ mà chỉ những người xuất thân từ quý tộc và hoàng gia mới có thể sử dụng. Theo năm tháng, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp, vải nhung đã dần được phổ biến trong đời sống. Tuy nhiên, đây vẫn là chất liệu được mệnh danh là “Nữ hoàng của tất cả các loại vải”.

Xuất hiện đầu tiên từ khoảng 2000 năm Trước Công Nguyên ở Ai Cập cổ đại, tiếp đến tại Trung Quốc vào thời gian giữa 400 năm TCN và 23 năm SCN, vải nhung tiếp tục trở nên cực thịnh tại các nước Đông Âu và Trung Đông. Việc sản xuất đã bắt đầu từ thời kì Trung Cổ, nhưng cho đến thời kì Phục Hưng thì công nghệ sản xuất đã thay đổi theo hướng ứng dụng và giảm giá thành, và kết quả là việc sản xuất loại vải này đã thực sự bùng nổ ở các nước Ý và Tây Ban Nha.

( Các sản phẩm làm từ vải nhung trong thời kì Phục Hưng)

Không hề suy giảm giá trị qua thời gian dài phát triển và trưởng thành, vải nhung vẫn luôn là biểu tượng của giàu sang và quyền lực. Khi nhắc đến vải nhung, người nghe luôn liên tưởng đến một loại vải mềm mịn, mượt mà, và ấm áp. Có được cảm giác như vậy, là bởi bề mặt của vải nhung là sự sắp xếp san sát của những sợi dày. Các sợi này được cắt ngắn bằng nhau tạo nên sự mượt mà, bóng bẩy và mướt tay khi chạm vào.

Nhung bắt đầu bén duyên với ngành công nghiệp thời trang vào những năm 1920, lúc này, nhung trở thành loại vải phổ biến để may váy dạ hội và khăn choàng. Loại vải này cũng có chỗ đứng trong những thập niên 50, 70, 80, và thậm chí trong suốt thập niên 90. Sự hồi sinh trở lại của thời trang nhung trong những năm gần đây, với các mẫu thiết kế từ Dolce & Gabbana, Valentino, Ralph Lauren và Roksanda trình diễn trong những tuần lễ thời trang, đã chứng minh rằng nhung đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ.
Trên thị trường hiện nay có bốn loại vải nhung phổ biến: nhung tuyết, nhung lì, nhung nỉ và nhung co dãn. Mỗi loại nhung đều có một đặc điểm riêng biệt với mỗi ứng dụng khác nhau. Trong đó, nhung tuyết được xem là loại vải thịnh hành nhất. Nhưng nhìn chung, bốn loại đều có một vài đặc tính giống nhau. Bề mặt vải nhung gồm các sợi lông ngắn nên vải có khả năng phản xạ ánh sáng tốt, tạo được độ bóng và tạo ra được nhiều tone màu khác biệt trong cùng một tấm vải. Nhung có khả năng giữ nhiệt tốt cùng khả năng mang lại vẻ đẹp quyến rũ, cuốn hút, nổi bật nhưng vẫn đảm bảo độ thanh lịch cho người mặc.

Có nhiều quan điểm cho rằng mặc đồ nhung rất khó, song khi ngắm nhìn những sản phẩm nhung được ứng dụng trước tiên trên sàn catwalk trong làng thời trang, người ta có thể nhận ra thời trang nhung vô cùng phong phú khiến cho người tiêu dùng phải ngạc nhiên vì sự biến hóa trong vẻ đẹp của nó.

Với Elise, nhung luôn là chất liệu được yêu thích của các nhà thiết kế, những sản phẩm làm từ nhung liên tục trở thành những “best-seller” khi vừa mới lên kệ. Chị Doãn Thùy Nga – Nhà thiết kế tại Elise chia sẻ - “Mềm mịn và bắt sáng tốt là điều đầu tiên khi nói về vải nhung. Cùng với độ rũ tốt, nên loại vải này cực bắt sáng dưới ánh đèn. Vẻ đẹp của sự sang trọng và quyến rũ là điều mà mọi loại vải nhung đều mang lại được. Thêm nữa, đây là loại vải giúp tôn lên vẻ đẹp từ làn da của bạn. Với làn da trắng sáng của mình bạn có thể dễ dàng phối hợp chúng cùng nhiều màu sắc khác nhau của vải nhung này. Có thể nói rằng, đây là loại vải có thể dùng để may tất cả các loại trang phục từ truyền thống đến hiện đại. Bởi chúng mang trong mình sự pha trộn tuyệt vời giữa cổ điển và hiện đại”. Đây có lẽ là những lý do khiến cho những items nhung tại Elise luôn được yêu thích và đón nhận đến như vậy.

Chị Thùy Nga cũng chia sẻ thêm, vì đây là một loại vải khá “khó tính”, nên việc giặt là, bảo quản các sản phẩm có yêu cầu một chút cầu kì hơn so với sản phẩm khác. “Quần áo bằng vải nhung không được dùng máy giặt, bởi vì sợi nhung không chịu được ma sát mạnh. Dùng máy giặt sẽ rất chóng bạc màu, mục, hỏng và giảm nhanh tính năng giữ ấm của nó. Cũng không nên dùng nước nóng hoặc xà phòng có tính kiềm quá cao để giặt quần áo loại vải này. Nếu bị vết bẩn bám lên, hãy ngâm vào nước lạnh. Sau đó sử dụng một miếng vải hơi ẩm, chà nhẹ nhàng lên vết bẩn. Để loại bỏ vết bẩn sâu hơn bạn có thể sử dụng nước tẩy dùng cho quần áo màu. Sử dụng một miếng vải đã thấm nước tẩy thoa và xóa đi phần vết bẩn trên vải nhung.”

Xem ngay video chia sẻ về cách giặt là, bảo quản sản phẩm từ nhung tại đây: https://youtu.be/D0uf1IAd5GY

 

Hi vọng rằng những chia sẻ nhỏ này sẽ giúp chị em hiểu về loại vải quý tộc này hơn, đồng thời biết cách gìn giữ và bảo quản các sản phẩm từ nhung để chúng luôn đẹp và hoàn thành trọn vẹn vai trò mang lại sự tỏa sáng cho quý cô dù ở bất cứ nơi đâu.